Lượt xem: 294

Trần Đề chủ động kiểm soát tình hình sản xuất lúa trong điều kiện xâm nhập mặn

Cùng với bà con nông dân sản xuất lúa tại nhiều địa phương trong tỉnh, nông dân trồng lúa tại huyện Trần Đề cũng đang phấn khởi với niềm vui trúng mùa được giá ở vụ Đông Xuân chính vụ. Trong bối cảnh khả quan này, tại một số khu vực, hiện đang được nông dân khẩn trương làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân muộn. Nếu gieo sạ vào thời điểm này, trà lúa Đông Xuân muộn của huyện sẽ bước vào giai đoạn trổ chín vào khoảng tháng 2 và tháng 3. Đây cũng là giai đoạn cao điểm mùa khô, nguy cơ ảnh hưởng là rất lớn một khi nguồn nước ngọt dự trữ trong vùng bị thiếu hụt. Trước tình hình này, lãnh đạo UBND huyện cùng cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát nhằm chủ động kiểm soát tình hình sản xuất lúa tại địa phương trong điều kiện xâm nhập mặn.

 


Đồng chí Nguyễn Trọng Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề (ở giữa) khảo sát tình hình sản xuất lúa

 

    Thời điểm này, trà lúa Đông Xuân chính vụ tại huyện Trần Đề đang bước vào giai đoạn thu hoạch, với diện tích hiện đạt gần 2.000 ha. Nhờ tuân thủ tốt khung lịch thời vụ đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo, cùng với việc ưu tiên chuyển đổi canh tác các giống chủ lực như Đài Thơm 8, ST25, RVT, nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện tiếp tục có được một vụ mùa bội thu khi năng suất và giá bán đều ở mức cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể mỗi ha sản xuất lúa có năng suất cao hơn cùng kỳ từ 113kg, giá bán tăng từ 2.900 đồng - 3.000 đồng/kg (đối với giống Đài Thơm 8), từ 4.100 đồng - 4.400 đồng/kg (đối với giống ST25). Nông dân Thạch Mên ở ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 phấn khởi chia sẻ: “Năm nay lúa trúng hơn mọi năm, trừ chi phí xong một công lời gần 6 triệu đồng. Thấy phấn khởi lắm, năm nay ăn Tết vui vẻ hơn rồi, mua sắm được nhiều thứ cho gia đình. Nhờ mình làm theo lịch nhà nước khuyến cáo nên mới được như vậy. Chứ mọi năm tự gieo sạ nên không được trúng như vậy đâu”.

    Toàn huyện Trần Đề có 22.200 ha đất trồng lúa nằm trong vùng hệ thống thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt. Vì vậy chủ trương sản xuất lúa Đông Xuân muộn (hay còn gọi là lúa vụ 3) không được địa phương khuyến khích. Tuy nhiên, do yếu tố chủ quan, nông dân tại một số khu vực hiện đã hoàn tất các khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng để khởi động mùa vụ mới. Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện có khoảng 40 ha đã xuống giống lúa vụ 3, tập trung chủ yếu tại các xã Liêu Tú, Đại Ân 2, Trung Bình và thị trấn Lịch Hội Thượng. Theo dự báo, phần diện tích này nhiều khả năng sẽ tăng lên khoảng 100 ha trong vài ngày tới. Nông dân Kiên Xuân, ở ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2 cho biết: “Cũng có nghe địa phương khuyến cáo vụ hạn, mặn này, nhưng mà thấy lúa có giá nên mới làm vụ 3. Làm vậy chứ cũng hồi hộp lắm vì không biết khô hạn ra sao”.

    Trước dự báo về tình hình xâm nhập mặn năm 2023 – 2024, ngay từ đầu mùa khô, huyện Trần Đề đã chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát, nạo vét các hệ thống kênh mương; tiến hành duy tu, sửa chữa toàn bộ hệ thống cống thủy lợi phục vụ công tác ngăn mặn, trữ ngọt. Mặc dù chưa bước vào cao điểm mùa khô, nhưng theo số liệu ghi nhận từ trạm thủy nông huyện, độ mặn tại một số cửa cống trên địa bàn hiện đã bắt đầu tăng cao, cả 3 cống phục vụ công tác tiếp nước cho các vùng sản xuất buộc phải đóng hoàn toàn để kịp thời ngăn mặn xâm nhập. Trong tình này, chuyện “lợi bất cập hại” là hoàn toàn có thể xảy ra đối với nông dân sản xuất lúa vụ 3, một khi độ mặn ở tháng 2 và tháng 3 (dương lịch) diễn biến theo đúng dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Đồng chí Chung Bỉnh Phước – Phó trưởng phòng phụ trách, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề thông tin thêm: “Huyện đã tiến hành sửa chữa hệ thống cống khoảng 6 cái, các xã, thị trấn cũng đã chủ động nạo vét trên 70.000m3 kênh, mương. Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, độ mặn sẽ đạt cao nhất ở tháng 2 và tháng 3, ranh mặn 4‰ sẽ xâm nhập sâu vào các cửa sông từ 50 đến 65 km. Như vậy, nếu nông dân xuống giống tại thời điểm này, nguồn nước sẽ không đảm bảo được đến cuối vụ, xác suất thành công là rất thấp. Ngoài ra, cũng sẽ ảnh hưởng đến việc cấp nước cho phần diện tích trà lúa Đông Xuân chính vụ đang trong giai đoạn trổ chín, cũng như vụ Hè Thu 2023 -2024…”.

    Trong năm 2023, Trần Đề có một vụ sản xuất lúa khá thành công với tổng diện tích gieo trồng đạt 44.800 ha, sản lượng lúa trên 280.000 tấn. Trong đó, sản lượng lúa đặc sản tăng 271.142 tấn, tăng 10.204 tấn so với cùng kỳ. Điều quan trọng là phần lớn diện tích lúa nằm trong vùng “nhạy cảm” với hạn, mặn đều cơ bản an toàn trong mùa khô năm 2022 - 2023. Kết quả này ghi nhận sự đồng thuận cao của người nông dân huyện nhà trong việc chấp hành tốt các khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn. Nhắc lại thành tựu có được trong năm vừa qua đề thấy, thành/bại trong mỗi vụ sản xuất rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chuyên môn và người trực tiếp sản xuất. Đặc biệt là đối với những rủi ro khó có thể lường trước từ tác động của biến đổi khí hậu, mà điển hình là hiện tượng xâm nhập mặn.

    Bên cạnh các giải pháp đã và đang được triển khai, lãnh đạo UBND huyện Trần Đề cũng lưu ý các đơn vị có liên quan cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình độ mặn tại các kênh nội đồng. Qua đó, có sự điều tiết, vận hành hợp lý các cống thủy lợi hiện có, nhằm phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất của bà con nông dân, hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại xảy ra do xâm nhập mặn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 79
  • Hôm nay: 10156
  • Trong tuần: 77,476
  • Tất cả: 11,861,665